Nét say đắm lãng mạn dường như đã trở thành cái hồn của phổ cổ, đi đến đâu người ta cũng vô tình bắt gặp nó: những mái ngói rêu xanh phủ màu thời gian, sắc màu lung linh của những chiếc đèn lồng, nét chạm trổ tinh vi trong những căn nhà gỗ đã tồn tại từ hơn ba trăm vòng quay xuân hạ thu đông, những cái nghiêng điệu đà của người bán hàng mời chào khách, nụ cười, những cái nhìn… tất cả như xoáy vào lòng du khách.
Ðặc biệt, khu phố cổ mang một vẻ lãng mạng, sâu lắng và bình yên dưới ánh đèn lồng huyền ảo mỗi đêm 14 âm lịch hàng tháng. Xưa kia, nếu như người Việt quen dùng đĩa đèn dầu lạc, thì người Nhật Bản và Trung Hoa đã đưa tới Hội An thói quen sử dụng đèn lồng.
Sáng kiến khôi phục việc thắp đèn lồng thay cho ánh sáng điện từ mùa thu năm1998 đã mang lại hiệu quả không ngờ ngay từ buổi đầu tiên. Vào mỗi đêm 14 âm lịch, mọi sinh hoạt của thị xã bình yên này được quay trở về với tập quán của hơn 300 năm trước, và khu phố cổ nằm trong giới hạn của bốn con đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Bạch Ðằng đã hàng loạt tắt đèn và treo trước hiên nhà những ngọn đèn lồng huyền ảo.
Khi những thành phố, đô thị ở khắp nơi đang mất dần ánh trăng bởi những toà nhà cao tầng, những luồng ánh sáng nhân tạo thì ở phố cổ Hội An, ánh trăng vẫn còn nguyên vẹn. Ánh trăng làm cho phố cổ đẹp hơn, lung linh hơn và lãng mạn hơn…
Ở phố Hội, dường như nơi nào, góc nào cũng nhìn thấy ánh trăng. Không có những toà nhà cao che khuất, cũng không có những biển đèn quảng cáo sáng rực rỡ, ngắm trăng ở phố cổ Hội An vô cùng thú vị. Mỗi bước đi mỗi khác, mỗi góc nhìn mỗi khác bởi không gian của phố, bởi những kiến trúc, những mái nhà, ngọn cây… Ai đã từng đắm mình trong không gian đêm trăng phố cổ Hội An chắc chắn xúc cảm còn đọng lại mãi...
Dù toả sáng nhờ ngọn điện thông thường, song ánh sáng của đèn lồng mờ dịu và phảnh phất dấu ấn của thời gian xưa cũ. Những chiếc đèn tròn, lục lăng theo phong cách Trung Hoa treo dưới mái hiên và hai bên cửa ra vào, đèn quả trám hoặc ống dài kiểu Nhật Bản phất giấy trắng lơ lửng dọc theo hàng cột, đèn trụ vuông, đèn quả trám to nhỏ các cỡ… tất cả đã tạo lên một thế giới lung linh, huyền ảo. Cường độ ánh sáng giảm đi, song chất men say của thị xã lãng mạn đã bốc mạnh trong mỗi con người khi đi qua phố cổ.
Trong ngôi nhà cổ rêu phong, bóng người phụ nữ áo dài thời trước cặm cụi làm việc dưới ánh đèn lồng được tạo thành từ chiếc nơm cá giản dị, bên vỉa hè, hai người già râu tóc bạc phơ đang chìm đắm vào suy nghĩ với ván cờ tướng thắp sáng bởi ngọn nến lung linh… Dường như con người đang được sống với dĩ vãng khi mà những phiền toái của cuộc sống hiện tại chưa hiện hữu.
Phố cổ càng đẹp hơn, sâu lắng và bình yên hơn trong lễ hội hoa đăng. Nhằm bảo tồn nét đẹp di sản văn hóa này, người dân phố Hội ngừng sử dụng các thiết bị điện như tivi, radio, đèn đường, đèn neon vào mỗi đêm Rằm Âm lịch hằng tháng. Thay vào đó, toàn bộ khu phố cổ sẽ được khoác lên mình một lớp ánh sáng đa sắc, ấm áp phản chiếu từ những dải lụa màu qua các ô cửa kính và những chiếc đèn lồng giấy treo dọc con phố.
Trong bầu không khí cổ tích đó, hãy kiểm nghiệm sự hiện hưu bằng việc nếm một vài món ăn phong vị xứ Quảng như bánh Bo, bánh Vạc, Cao lầu tại các nhà hàng còn giữ nguyên hình ảnh đầu thế kỷ. Tại tiệm ăn FaiFo trên đường Trân Phú, những chiếc đèn lồng nhỏ xíu hình dáng cổ điển chiếu một nguồn ánh sáng vàng ấm áp, hoà điệu cùng cặp đèn lớn có dán lời cầu ước chữ Hán theo phong tục cổ xưa trước mái hiên. Ðộc đáo hơn là cách bài trí của tiệm cafe có tên “Treated”.
Tại đây, người chủ đã khoét thủng trần gỗ và lồng vào những chiếc rá tre vo gạo bình dị. Hàng lỗ thủng đều đặn của rá tre đã tạo ra một nguồn ánh sáng ngộ nghĩnh và độc đáo. Có phải người chủ nào cũng đủ cam đảm khoét thủng trần gỗ của nhà mình ra ?Hiện diện trên phố Hội An là vô số các cửa hàng bầy bán các loại đèn lồng làm kỷ niệm. Tuỳ theo chất liệu vải bọc ngoài mà ngọn đèn đưa tới những loại ánh sáng khác nhau. Ðó có thể là mầu đỏ may mắn, mầu vàng tươi vui, mầu gấm huyết diụ kiêu sa hay sắc xanh lãnh lẽo. Tuy nhiên khó so sánh được với những chiếc đèn lồng có tuổi hàng thế kỷ đang được các gia đình sinh sống lâu đời ở đây gìn giữ và chỉ chưng ra trong đêm hội hoa đăng. Những ngọn đèn này được chế tác từ gỗ quý, chạm trổ cầu kỳ và trên mỗi tấm kính là một tác phẩm hội hoạ thật sự.
Các tích truyện cổ nổi tiếng được nghệ nhân xưa vẽ trên kính, sinh động và hoàn hảo như một bức tranh đắt giá. Mỗi khi ngọn nến bên trong toả sáng, cảnh mây trắng, trời xanh hoặc nước biếc sẽ liên tục quay tròn, hắt bóng các chi tiết lên mặt kính.
Khung cảnh và ánh sáng kỳ ảo trong khu phố cổ quyện với giọng ca bài chòi, hò khoan, giã gạo… vẳng lên từ con thuyền đậy dưới bến sông, dưới mái hiên, nơi đầu phố… tạo ra sức cuốn hút kỳ lạ đối với du khách- nét lãng mạn riêng có ở phố cổ Hội An.
(Theo Vanhoa.gov.vn)