Tháng 5, thời điểm bà con nông dân vùng cao bước vào mùa cày cấy. Những khóm mạ xanh ngắt bắt đầu được gieo trồng bên triền núi.
Trước khi gieo mạ, người nông dân bơm nước vào các thửa ruộng và cho trâu đi cày.
Phong cảnh nơi đây trở nên thi vị khi mặt cánh đồng loang loáng nước thành từng khoảng đan vào nhau.
Độ cao ở Y Tý là 2000 m so với mực nước biển. Đi lại ở khu vực này bạn sẽ cảm thấy các ruộng bậc thang như song hành cùng trời xanh.
Để lấy được nước vào ruộng, bà con dân tộc Mông, Dao, Dáy... tận dụng những cơn mưa đầu mùa.
Những ô ruộng bậc thang lượn theo sườn núi với nhiều hình thù. Mặt ruộng đầy nước phản chiếu ánh mặt trời cũng tạo nên những mảng mầu đẹp mắt.
Nơi được coi là đẹp nhất trong số các xã vùng cao của huyện Bát Xát là cánh đồng Thiên Sinh thuộc xã Ngải Thầu, tiếp đó mới đến xã A Lù, Mường Hum.
Đặc biệt, nơi đây còn có bà con Hà Nhì đen - dân tộc ít người nhất Việt Nam.
Tại Y Tý có thể thấy lối kiến trúc nhà trình tường đặc trưng của người Hà Nhì (nhà hình chữ nhật, tường đất dày 50 cm, mái lợp cỏ tranh nhọn hình kim tự tháp).
Nơi đây cách trung tâm thành phố Lào Cai hơn 70 km. Vào mùa đông, Y Tý hút hồn du khách bởi biển mây trắng xóa bao quanh những sườn núi, tạo nên khung cảnh huyền ảo.
Thông thường, mùa nước đổ vào tháng 5, còn mùa lúa chín từ tháng 8 đến tháng 10, hai thời điểm đẹp, thuận lợi để du khách có thể khám phá cao nguyên Y Tý.
Khi sương sớm lảng bảng trên những vách núi, những cô gái người dân tộc lại vác gùi, dắt trâu, chở thóc giống lên nương, nhiều tiếng í ới gọi nhau trong gió khiến khung cảnh nơi đây vừa gần gũi vừa huyền ảo