Việt Nam
Trung thu truyền thống tại Việt Nam còn có một cái tên khác là Tết Thiếu Nhi. Cái tên nói lên tất cả, tuy Tết Trung Thu chỉ có một ngày là vào ngày 15/8 âm lịch, nhưng trước đó khoảng độ nửa tháng, mọi ngóc ngách trên phố đều đã được trang trí bằng lồng đèn đỏ, các hình ảnh vui nhộn cùng các quầy hàng bán đồ chơi trẻ em và bánh trung thu.
Vào ngày này, khắp các nơi trên Việt Nam tổ chức múa lân hay múa sư tử, các gia đình và các khu phố sẽ tổ chức các chương trình ca nhạc và rước đèn cho các bé.
Nhật Bản
Ngày nay, người Nhật không còn sử dụng lịch âm lịch, tuy nhiên Tết Trung thu vẫn được tổ chức rầm rộ và được gọi là Lễ ngắm trăng (Otsukimi). Vào ngày Otsukimi này, người Nhật thường bày bánh Tsukimi Dango theo hình tam giác trên một kệ gỗ, bên cạnh là bình cỏ susuki. Sau đó đặt mâm bánh ở bất cứ nơi nào có thể ngắm trăng rõ nhất, để vừa ăn bánh, vừa ngắm trăng. Còn trẻ em được cha mẹ sắm cho những chiếc đèn lồng cá chép để tham gia vào hội rước đèn. Đèn lồng cá chép ở Nhật tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các bé trai.
Truyền thuyết về tết Trung thu ở Nhật chỉ xuất hiện hình ảnh chú thỏ ngọc thay cho hình ảnh chị Hằng, chú Cuội và cả thỏ ngọc dễ thương như ở Việt Nam và hầu hết các nước Châu Á khác.
Hàn Quốc
Tết Trung thu là một trong hai ngày lễ lớn nhất ở Hàn Quốc. Đây là dịp người dân Hàn đi tảo mộ và thờ cúng tổ tiên bằng những loại hoa quả và ngũ cốc mới thu hoạch được. Theo phong tục, người dân sẽ về nhà đoàn tụ với gia đình và tặng quà cho những người thân.
Dịp tết Trung thu của người Hàn kéo dài 5 ngày. Đa số những người xa xứ đều cố gắng trở về nhà cùng ăn cơm với gia đình, tụ tập với bạn bè, tham gia những nghi thức truyền thống tại nhà và ăn loại bánh xốp truyền thống rất nhiều màu sắc đẹp mắt. Hầu hết các công ty, cửa hàng đều ngừng hoạt động trong kỳ nghỉ này, thế nên tết Trung thu ở Hàn Quốc thậm chí còn được người phương Tây gọi là "Korean Thanksgiving Day" (Lễ Tạ ơn của người Hàn).
Thái Lan
Tết Trung thu ở Thái Lan được gọi là “lễ cầu trăng”, tổ chức vào đúng ngày 15/8 âm lịch. Trong đêm Trung thu ở Thái, tất cả già trẻ gái trai đều phải tham gia lễ cúng trăng, mọi người sẽ ngồi quây quần bên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất. Phía trên bàn thờ sẽ bày quả đào và bánh Trung thu. Người Thái tin làm vậy Bát Tiên sẽ giúp mang đào tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm, và các vị thần tiên sẽ ban phước lành cho mọi người. Bởi vậy, bánh Trung Thu ở Thái Lan có hình dạng giống quả đào. Trong ngày này, người Thái cũng thường ăn bưởi – loại quả tượng trưng cho sự viên mãn, xum vầy và ngọt ngào.
Singapore
Đối với người Singapore, Tết Trung thu là dịp để liên lạc, hỏi thăm và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến họ hàng, bạn bè và đối tác làm việc bằng cách gửi tặng bánh Trung thu. Họ trang trí đường Orchard, sông Singapore, khu phố của người Hoa, vườn Trung Hoa và nhiều nơi khác để chào đón du khách từ khắp thế giới, bởi đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn, người dân luôn tìm mọi cách để thu hút khách du lịch đến đây.
Malaysia
Người Malaysia cũng thường làm bánh Trung thu trong ngày rằm tháng 8. Ngoài ra, họ cũng thắp đèn lồng, tổ chức múa lân, múa sư tử và các hoạt động vui chơi giải trí được yêu thích khác.
Philippines
Trong dịp Trung thu, phố người Hoa ở khắp Philippines sẽ treo đèn lồng và các dải banner rực rỡ màu sắc. Các hoạt động như rước và múa rồng, diễu hành thời trang truyền thống, rước đèn, và diễu xe cũng được tổ chức.
Campuchia
Lễ hội trông trăng ở Campuchia diễn ra muộn hơn hẳn, thường là vào rằm tháng 10 âm lịch chứ không phải vào 15/8 như các nước khác. Lễ hội này thường được gọi là lễ hội Ok Om Pok, thường được tổ chức vào ban đêm với các lễ vật như cốm dẹp, chuối, khoai, mía…Trong lễ hội người ta thường tổ chức cuộc thi thả đèn gió. Đèn gió bay lên cao tượng trưng cho những ước vọng, niềm tin của người thả gửi tới thần mặt trăng, để cầu mong viên mãn.
Trung Quốc
Tết Trung thu là một trong những dịp lễ quan trọng của người Hoa. Ở mỗi vùng trên đất nước này lại có những phong tục đón tết Trung thu khác nhau, thế nhưng đa số đều giữ nguyên phong tục thưởng trà ngắm trăng, treo đèn lồng đỏ hay thả đèn hoa đăng đã tồn tại từ lâu đời.