Đừng rời Hà Giang khi chưa thử 7 điều sau

Cảnh sắc hùng vĩ, người dân thân thiện cùng với các món đặc sản hấp dẫn, khó có ai rời Hà Giang đi mà không một chút lưu luyến trong lòng, để rồi tự hứa hẹn với mình phải đến vùng đất địa đầu Tổ quốc một lần nữa.

THĂM ĐỒNG LÚA CHÍN Ở HOÀNG SU PHÌ
Có dịp đến Hoàng Su Phì vào cuối tháng Chín đầu tháng Mười, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh quan đẹp như tranh của đồng ruộng bậc thang trĩu nặng bông lúa, báo hiệu một năm mùa màng bội thu. Những mảng màu xanh vàng của lúa xen lẫn những mái nhà nhỏ quanh lưng đồi vẽ nên một cuộc sống thanh bình. Ruộng bậc thang mùa lúa chín là điểm đến được nhiều bạn yêu thích chụp ảnh lựa chọn bởi vẻ đẹp tự nhiên và đời sống giản dị của người dân các bản làng vùng cao. 

Trong nắng vàng mùa Thu, những nông dân hồ hởi thu hoạch lúa trên cánh đồng vùng cao 

Ruộng bậc thang tạo thành những đường sóng uốn lượng uyển chuyển tuyệt đẹp

SÁNG SỚM ĐI CHỢ PHIÊN
Cứ vào Chủ Nhật, chợ phiên lại họp để đón bà con các dân tộc đến buôn bán. Chợ phiên Mèo Vạc dù đã hiện đại nhưng vẫn còn nhiều thứ mà chợ dưới xuôi không có. Chợ phiên thường họp từ lúc trời còn tờ mờ sáng, khi không gian vẫn còn phủ một làn sương sớm mờ ảo nên nhiều gia đình ở cách một vài ngọn núi đã phải dậy từ nửa đêm để kịp xuống chợ. Chợ bán những thứ mà người dân tộc tự làm hoặc thu hái trong rừng, trao đổi hàng hóa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Đặc biệt chợ phiên còn là nơi đôi lứa hẹn hò, hàn huyên tâm sự. Đi chợ phiên, bạn sẽ thấy đủ các sắc tộc thông qua trang phục sặc sỡ của người dân.

Chợ phiên là dịp vui mua sắm của các bà, các chị, cũng là cơ hội hẹn hò của đôi lứa

CHINH PHỤC MÃ PÍ LÈNG
Không chỉ nổi tiếng với hoa tam giác mạch, cánh đồng lúa chín vàng mùa thu, Hà Giang còn được nhiều người biết đến với những vách núi cheo leo cùng đỉnh đèo huyền thoại Mã Pí Lèng, một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng núi phía Bắc. Tên gọi Mã Pí Lèng nghĩa đen là “sống mũi con ngựa” nhằm miêu tả địa hình trắc trở, hiểm nghèo của đỉnh núi. Đến đỉnh đèo, khung cảnh sông nước hùng vĩ choáng ngợp đang chờ đón bạn khám phá. Ngọn núi được những đám mây trắng giấu đi như ẩn, như hiện trong không gian huyền ảo. Phía dưới là vực sâu thăm thẳm, với dòng sông Nho Quế xanh ngắt uốn lượn dưới chân núi tạo cho bạn cảm giác như đang ở lưng chừng trời. 

Đèo Mã Pí Lèng uốn lượn từ xa nhìn như sợi chỉ vắt lừng chừng núi

THƯỞNG NGOẠN CẢNH SẮC CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN
Mang một vẻ đẹp tự nhiên của miền sơn cước, cao nguyên Đồng Văn đã đốn tim nhiều du khách với những dấu ấn tiêu biểu về quá trình phát triển vỏ trái đất, hệ thống rừng nguyên sinh và môi trường sinh thái đa dạng và độc đáo. Đây là nhà của hơn 50 loài thú hoang dã như sơn dương, voọc mũi hếch, hoẵng, lợn rừng… Đồng Văn còn hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh và di tích văn hóa như cổng trời Quản Bạ, cột cờ Lũng Cú, làng dệt thổ cẩm Lùng Tám… Hiện có hơn 250.000 cư dân sinh sống với 17 dân tộc thiểu số, trong đó người Mông chiếm 70% dân số cả vùng. Đây cũng là nơi đông người Mông nhất nước ta.

Vùng núi đá rộng lớn mang đến cho du khách cảm giác choáng ngợp trước vẻ đẹp của thiên nhiên

THAM QUAN DINH THỰ NHÀ HỌ VƯƠNG
Dinh thự bề thế gần 100 năm tuổi của nhà họ Vương - gia tộc giàu có nhất vùng thời ấy là một điểm đến không thể bỏ lỡ trên hành trình khám phá Hà Giang. Nằm trên một khu đất nổi cao như mai rùa giữa thung lũng, dinh thự được xây dựng trong tám năm, tốn hơn 150 đồng bạc trắng Đông Dương tương đương với 150 tỷ đồng. Dinh thự là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc thành trì nhà Thanh (Trung Quốc), hoa văn của người Mông và kiến trúc của Pháp. Dinh thự như một pháo đài kiên cố với tường dày, lô cốt để phòng thủ, kho chứa tài sản, vũ khí. Điểm nhấn khác của dinh là nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ vô cùng tinh tế, thể hiện được sự phồn vinh, hưng thịnh của gia chủ.  

Cổng vào dinh thự nhà họ Vương được xây bằng gỗ và đá rất kiên cố, bên trên có mái che

NGẮM HOA TAM GIÁC MẠCH
Hà Giang chào đón mùa Thu bằng những cánh đồng nở rộ hoa tam giác mạch mỏng manh cùng sắc tím hồng phơn phớt. Mùa tam giác mạch bắt đầu từ tháng Mười đến hết tháng Mười Hai. Khi mới nở, hoa có màu trắng, theo thời gian sắc hoa sẽ chuyển dần sang màu hồng phớt, tím sẫm và cuối cùng là màu đỏ sậm. Bên cạnh việc tô điểm cho vùng cao Tây Bắc, cây tam giác mạch còn được người dân sử dụng cho nhiều mục đích khác. Khi còn non, cây được hái về nấu như một loại rau thực phẩm bình thường. Thân và lá sắc lên sẽ trở thành một phương thuốc chữa bệnh về đường tiêu hóa, hạ huyết áp, mỡ trong máu và đường trong máu. Hạt có thể dùng làm bánh, xay ra nấu cháo hoặc ngâm làm rượu. Rượu tam giác mạch vô cùng quý và là đặc sản của người dân Tây Bắc.

Hà Giang như cô gái đẹp mơ màng và tinh khôi vào độ hoa tam giác mạch khoe sắc

THƯỞNG THỨC ẨM THỰC HÀ GIANG
Không chỉ nổi tiếng với khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục, di tích lịch sử, nét văn hóa dân tộc miền núi đặc sắc, ẩm thực Hà Giang cũng là điểm níu chân du khách khi tới đây. Đừng rời đi nếu bạn chưa được thưởng thức những đặc sản nổi tiếng gần xa, đậm đà hương vị vùng cao như: món ăn thử thách lòng can đảm thắng cố, cháo ấu tẩu, rêu nướng, xôi ngũ sắc… Ngoài ra, trong các bữa ăn trong suốt hành trình bạn chắc chắn sẽ được thưởng thức món ăn chế biến từ rau cải mèo, loại rau đặc sản của vùng núi, gà núi, thịt lợn rừng được nuôi thả rông của đồng bào dân tộc.

MÁCH NHỎ:
Bạn có thể đến Hà Giang trong hành trình khám phá vùng Đông và Tây Bắc khởi hành từ TP. HCM và Hà Nội. Tham khảo hành trình chi tiết tại: www.saigontourist.net hoặc liên hệ văn phòng Lữ hành Saigontourist Hà Nội và TP. HCM.

Tuyến điểm: Việt Nam

related image

Ban Mê mùa “Tuyết cà phê”

Xem thêm
related image

Cơm Hến, món ăn đậm hồn Huế

Xem thêm
related image

Để hành trình với bé thật vui

Xem thêm