Bữa tối trong nhà sàn ấm cúng, với những món ăn đầu mùa Hạ của vùng hồ Ba Bể, vùng hồ được tạo thành từ ba nhánh sông Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng
Khi tấm biển báo hồ Ba Bể đầu tiên hiện ra, trời đã sập tối. Chiếc xe từ từ chậm rãi lăn bánh trên con đường trong đêm tối mù mịt. Dưới bóng trăng mờ ảo, những người ngồi trên xe cũng có thể cảm nhận được đó là một con đường nhỏ, một bên là vách núi, bên kia là cánh rừng với cây cối um tùm.
Đặt chân đến Pác Ngòi
Sau gần một giờ đồng hồ chờ đợi, cuối cùng những nếp nhà sàn đầu tiên cũng đã hiện ra. Tôi bước ra ngoài, một cơn gió nhẹ ùa tới khiến tôi rùng mình nhẹ. Đầu mùa hè, khắp vùng rừng núi Đông Bắc nắng đã chạy khắp sườn núi, vậy mà chỉ khi mặt trời đi ngủ là cả vùng núi lại mát mẻ. Lên Ba Bể, có những cơn gió của hồ mang đến lại khiến đêm có chút lành lạnh dễ chịu.
Chỗ dừng chân của chúng tôi trong lòng hồ Ba Bể là một ngôi nhà sàn xinh xắn ở bản Pác Ngòi. Bản du lịch văn hóa Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể là bản nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày bên bờ sông Lèng sát với Hồ Ba Bể. Trên 70 ngôi nhà có kiến trúc cổ theo kiểu nhà sàn dân tộc tày nằm dựa lưng vào vách núi tạo thành một bức tranh đầy quyến rũ. Thôn Pác Ngòi là một trong những thôn ít ỏi còn lưu giữ được những phong tục tập quán mang đậm bản sắc dân tộc Tày. Gia đình người Tày ba thế hệ sinh sống trong nhà sàn làm nghề homestay phục vụ du khách đã khá lâu. Cả gia đình đón chúng tôi bằng những lời chào vui vẻ, giòn giã. Sau khi dành thời gian tắm rửa, chúng tôi bước ra gian nhà chính thì đã thấy mâm cơm tinh tươm đã sẵn sàng. Tôi nhìn qua một lượt các món ăn, mùi thơm của đồ ăn bỗng cơn đói ào đến một cách nhanh lạ lùng. Bữa cơm nhìn có vẻ đơn giản nhưng toàn đặc sản của vùng hồ Ba Bể nổi tiếng.
Nước hồ Ba Bể trong xanh như ngọc bích, nổi bật giữa núi rừng hùng vĩ
Phải lòng món măng vầu
Bác chủ nhà hiểu ý, ngay lập tức giới thiệu các món ăn. Nào là măng non ngâm ớt có vị chua nhẹ, bên cạnh còn có đĩa măng vầu, loại măng có quanh năm ở vùng hồ Ba Bể đã được luộc vàng ươm, canh rau ngót rừng nấu với sườn mát rượi, mấy ống cơm lam nóng rẫy vừa được lấy ra từ trên bếp than hồng ăn kèm với thịt lợn muối hun khói nhà làm.
Bản Pác Ngòi nằm lọt trong một thung lũng tuyệt đẹp với cánh đồng lúc xanh ngắt
Ngoài mấy món ăn kia tôi đã có dịp ăn trong suốt hành trình Đông Bắc thì lên đến Ba Bể tôi mới có dịp thưởng thức món măng vầu cuốn thịt. Đầu mùa hè, măng vầu đã có vị nhẫn đắng nên khi chế biến phải luộc và ngâm rất nhiều lần để ra chất đắng. Món măng vầu luộc lên cuốn với một lát thịt luộc.
Còn với loại măng cái (măng vầu đã lên tai xanh) vì có vị đắng nên muốn ăn được thì phải luộc kĩ với muối sau đó ngâm nước lạnh, phần thân măng thái mỏng xào tỏi, phần áo măng để cuốn thịt răm hấp chín.
Nhưng ngon hơn cả vẫn là món măng luộc chấm mắm tôm chanh ớt. Có thể luộc cả măng củ và măng cái. Người không ăn được đắng có thể ăn loại măng củ luộc, chất non ngọt của củ măng tạo cho món ăn một hương vị dìu dịu, mát ruột và rất dễ ăn. Những người sành ăn măng thì hay chọn ăn loại măng luộc thật đắng. Vì như vậy mới cảm nhận hết được sự thú vị của món ăn này, cái cảm giác đắng, chát cứ mất dần sau mỗi miếng nhai nhẩn nha thay vào đó là cảm giác thoang thoảng ngọt, nhẹ nhẹ cay, rất lạ. Và khi đã ăn một lần đều muốn ăn thêm lần sau.
Khung cảnh chiều xuống bình yên ở Ba Bể, trước bản Pác Ngòi
Cũng không thể không nhắc đến món rau ngót rừng, món rau chỉ có đầu mùa hè này không phải là loại rau ngót dưới miền xuôi, chính xác phải gọi là rau sắn. Cây ngót rừng thuộc họ thân gỗ, mọc tự nhiên trên vùng núi đá. Cây ngót cao hơn đầu người, cành lá sum sê. Cuối mùa đông cây ngót rụng hết lá già, mùa xuân, khoảng tháng tháng 2, cây bắt đầu ra những đọt lá non đầu tiên, và đến tháng 3 tháng 4 là mùa thu hoạch ngọn, lá và cả những chùm hoa. Người dân vùng cao Bắc Kạn mùa này quẩy từng giậu ngót trên núi cao mang về. Những bó rau xanh mướt được bảo quản cẩn thận trong giậu phủ lá chuối để kịp cho ngày chợ phiên bắt đầu từ buổi sáng tinh sương hôm sau. Rau ngót rừng đem về không phải chế biến cầu kì. Chỉ cần tuốt lấy những đọt lá non, rửa sạch, vò qua rồi đun nước sôi, thả lá ngót vào nấu canh là đã có một món canh với vị ngọt đậm đà tự nhiên.
Thác Đầu Đằng trong Vườn quốc gia Ba Bể
Uống rượu ngô và ăn cá nướng
Cánh đàn ông trong đoàn còn được bác chủ nhà mời món rượu ngô Ba Bể nổi tiếng. Rượu ngô vùng núi phía Bắc vốn đã nổi tiếng nhưng nổi tiếng nhất là rượu ngô ở thôn Khưa Quang, xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể, vì họ tin rằng: rượu ngô nơi đây được nấu bằng nguồn nước ở lưng chừng núi Phja-Bjoóc - một nguồn nước vô cùng tinh khiết mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này. Rượt ngô đúng như truyền thuyết, uống êm mà chẳng đau đầu nhưng không ai dám uống nhiều, chỉ dám nhấp một ly nhỏ đủ để hiểu đặc sản của vùng mà thôi.
Bữa tối kết thúc, chúng tôi ngồi quay quần bên bếp than đã rút củi, chỉ còn lại ít than hồng đủ để vùi vài củ khoai và nước vài bắp ngô. Bác gái còn mang ra thêm mấy xiên cá và tôm khô do chính bác trai và mấy anh con trai thả lưới trên hồ bắt được.
Vừa nhâm nhi món ăn vặt, vừa được nghe bác chủ nhà kể chuyện về vùng hồ huyền thoại, về những món ăn theo mùa của vùng hồ mà bạn sẽ tự nhủ lòng sẽ trở lại để được thưởng thức, về những cảnh đẹp sẽ chờ đợi chúng tôi vào ngày mai khi bình minh ló dạng thật khiến tôi thêm nôn nao. Căn nhà sàn rộng rãi được lấp đầy tiếng cười của những con người xa lạ, thân thiện và dễ mến.
Cá khô hồ Ba Bể, đặc sản của vùng hồ
Mách nhỏ: Từ TP.HCM, bạn có thể đến Ba Bể trong hành trình Cao Bằng - Bắc Kạn với giá từ 7.979.000đ. Tham khảo chi tiết hành trình tour tại www.saigontourist.net hoặc liên hệ các văn phòng chi nhánh của Lữ hành Saigontourist