Từ một điệu nhảy truyền thống của người Áo, điệu waltz đã từng bị ghẻ lạnh để rồi rũ bùn đứng dậy sáng lòa, trở thành điệu nhảy được yêu thích nhất trong suốt gần 100 năm
Khi bản nhạc Waltz of the Flowers (Ðiệu waltz của những đóa hoa) do nhà soạn nhạc lừng danh Pyotr Tchaikovsky vang lên cũng là giai điệu báo hiệu cho một bữa tiệc vui vẻ. Thế nhưng, trước khi có vị thế như bây giờ, điệu Waltz đã từng được xem như điệu nhảy của đám thanh niên nổi loạn, các bậc phụ huynh thì khinh thường ra mặt.
TỪ ÐIỆU NHẢY BỊ COI THƯỜNG
Khi điệu waltz lần đầu tiên được biểu diễn trong những phòng khiêu vũ, nó đã gây ra một sự phẫn nộ lớn và đánh dấu một bước thay đổi lớn trong phong tục xã hội của châu Âu thời bấy giờ.
Tên của điệu waltz bắt nguồn từ Ðức là walzen, có nghĩa là “quay trở lại”. Cũng có ý kiến cho rằng điệu khiêu vũ này phát triển dựa trên âm nhạc dân gian đến từ vùng Tyrol, miền Tây nước Áo. Nguồn gốc chính xác của điệu Waltz vẫn còn gây tranh cãi nhưng đến khoảng cuối những năm 1700, điệu waltz đã lan rộng khắp châu Âu. Ðiệu nhảy này được các cô gái, chàng trai trẻ ở tầng lớp trung lưu, giàu có yêu thích. Thời bấy giờ, việc nhảy điệu waltz hoàn hảo được xem là biểu hiện của một giai cấp trẻ trung, tự tin và gạt bớt đi những nghi lễ ràng cổ hủ của những thế hệ trước đó.
Tranh của Charles Vernier vẽ phòng khiêu vũ Bai Mabille ở Paris vào giữa thế kỷ 19
Ðiệu waltz có những điểm tương đồng với điệu múa minuet. Thông thường thì người nhảy phải giữ đầu cánh tay của người khác. Ðiệu waltz cho phép người nhảy được gần nhau hơn bằng đặt cánh tay vòng qua người bạn nhảy. Trong cuốn tiểu thuyết The Sorrows of Young Werther, J. W. von Goethe đã mô tả căn phòng bắt đầu với điệu nhảy minuet phóng khoáng cho đến khi một giai điệu mới xuất hiện: “Khi điệu waltz bắt đầu, các cặp đôi trôi theo những vũ điệu xoay vòng phóng khoáng… Chưa bao giờ tôi nhảy nhẹ nhàng hơn thế. Tôi cảm thấy bản thân mình dường như chết đi, giữ chặt người mình yêu thật chặt trong vòng tay, cả hai chúng tôi cùng bay, bước chân cô ấy nhanh như gió xoay vòng cho đến khi tôi mất đi khả năng nhìn thấy mọi thứ trong căn phòng.
Thế nhưng waltz vẫn bị những người có tư tưởng bảo thủ chỉ trích. Họ cho rằng điệu waltz có quá nhiều sự tiếp xúc thân thể. Năm 1818, Madame de Genlis, một nữ tu txuất thân từ hoàng gia Pháp cho rằng điệu waltz sẽ khiến những cô gái trẻ trung trở nên hư hỏng. Bà viết: “Một cô gái trẻ, mặc một chiếc đầm mỏng, thảy mình vào vòng tay của một thanh niên trẻ. Anh ta dùng tay ép cô gái vào ngực mình và chinh phục cô ta bằng điệu nhảy dồn dập khiến trái tim cô gái tưởng như mình đang bơi. Ðó là cái mà người ta gọi là điệu waltz”. Năm 1833, trong cuốn cẩm nang hướng dẫn cách xử sự dành cho những người đã lập gia đình ở Anh vẫn đề nghị chỉ những phụ nữ đã lập gia đình mới được nhảy điệu waltz vì họ cho rằng điệu nhảy này quá xấu xa, phóng đãng với những ai chưa lập gia đình.
TRỞ THÀNH ÐIỆU NHẢY THỜI THƯỢNG NHẤT
Dù bị một tầng lớp phản đối nhưng không vì thế mà điệu waltz bớt đi sự hấp dẫn, thậm chí còn lan ra khắp mọi nơi. Nhận thấy điệu waltz được yêu thích, một loại hình giải trí mới ra đời đó là phòng khiêu vũ công cộng. Năm 1760, Teresa Cornelys, danh ca người Vienna, Áo cho mở phòng khiêu vũ đầu tiên ở châu Âu với tên gọi Carlisle House. Gọi là phòng khiêu vũ nhưng Carlisle House thực chất là một câu lạc bộ thượng lưu. Khách hàng đến đây không chỉ có thể nghe nhạc, ăn uống mà đặc biệt là được khiêu vũ.
Những vũ công đang nhảy trên điệu Waltz of the flowers trong vở ballet Kẹp hạt dẻ
Các thành phố lớn ở châu Âu cũng nhanh chóng cho ra đời những phòng khiêu vũ phục vụ nhu cầu của khách. Vào đầu những năm1800, tại trung tâm của điệu waltz, Apollo Hall của Vienna, Áo có tới 5 phòng khiêu vũ. Thế hệ trẻ thời bấy giờ đón nhận một cơn sóng giải trí mới, điệu waltz trở thành cơn sốt thời thượng kéo dài hàng thập niên. Ứớc tính, đến mùa Xuân năm 1832, có tới một nửa dân số của thành phố Vienna tham gia hàng ngàn buổi vũ hội.
Sự nổi tiếng ngày càng cao của điệu waltz đã thu hút rất nhiều nhà soạn nhạc người Áo tạo ra các tác phẩm dành cho nó. Trong số đó phải kể đến Johann Strauss, Elder (1804-1849), Joseph Lanner (1801-1843) và Johann Strauss the Younger (1825-1899). Nổi tiếng nhất phải kể đến tác phẩm Blue Danube, bản nhạc có giai điệu mượt mà ra đời từ năm1867 giờ đây đã trở thành biểu tượng của điệu nhảy này
Bằng tài năng của mình, các nhà soạn nhạc người Áo đã biến điệu khiêu vũ đơn giản thành những tác phẩm đầy sức sống, từ đó truyền cản hứng cho những nhà soạn nhạc khác. Từ nước Nga, Pyotr Tchaikovsky đã sử dụng giai điệu waltz để cho ra đời những vở ba lê huyền thoại như Hồ thiên nga, Người đẹp đang ngủ và đặc biệt nhất là Kẹp hạt dẻ.
Sau cuộc nội chiến Mỹ, điệu waltz trở thành điệu nhảy được yêu thích nhất và người Mỹ nhanh chóng cho ra đời các phiên bản khác như Boston Waltz hay Boston Dip. Và có lẽ trong lịch sử, không có điệu nhảy nào có thể mang đến niềm vui cho nhiều người trong suốt hơn ¾ thế kỷ như điệu waltz.
Nhà hát opera ở thủ đô Vienna, Áo
MÁCH NHỎ:
Điệu waltz đã trở thành một phần văn hóa, lịch sử và di sản của nước Áo nói riêng cũng như của châu Âu và thế giới. Bạn có thể khám phá nước Áo trong hành trình đi qua các quốc gia Malta - Đức - Slovakia - Áo - Hungary hoặc hành trình khám phá Trung Âu với bốn quốc gia Hungary - Slovakia - Áo - Séc. Liên hệ hotline: 1900 1808 hoặc truy cập website: www.saigontourist.net để biết chi tiết.