Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng…

Sáng sớm, khi mặt trời vẫn còn xa tít tắp, cả một khúc sông đã bắt đầu nhộn nhịp. Người bán đã thức dậy, treo cây bẹo lên đầu ghe, chuẩn bị đón những vị khách đầu tiên ngay khi ánh bình minh ló dạng.

Chợ nổi miền Tây nhóm họp cả ngày nhưng đông nhất là vào buổi sáng, khi trời còn mát, sương giăng bảng lảng mặt sông và nắng hãy còn dìu dịu. Ði chợ nổi phải đi thật sớm. Bởi khi mặt trời lên cao, bắt đầu nắng gắt, là chợ đã vãn khách. Còn gì thư thái và thoải mái hơn khi giữa tinh sương được dập dềnh trên chiếc xuồng ba lá len lỏi giữa chợ họp trên sông đông vui, tấp nập, căng lồng ngực hít không khí trong lành của gió mang hương cây trái và sông nước.

NHÌN CÂY BẸO KIẾM HÀNG MUA
Nét riêng biệt và nổi bật của chợ nổi là hình thức “bẹo hàng”. Trước mỗi mũi ghe, chủ ghe thường cắm hoặc gác ngang một cây sào dài, bên trên treo lủng lẳng thứ hàng hóa mà chủ ghe muốn bán. Hình thức “bẹo hàng” này là một nét văn hóa giao thương độc đáo chỉ có ở chợ nổi miền Tây, không ồn ào, vồn vã, không níu kéo nhưng lại nói lên thứ mình cần.

Không giống như chợ trên bờ, những ghe hàng trên chợ nổi không nhất thiết phải tâp trung từng khu theo loại hàng. Ðặc biệt nhất là “bẹo lá bán ghe”. Nếu gặp chiếc ghe “bẹo” một tấm lá lợp nhà nghĩa là người chủ muốn bán chiếc ghe ấy. Các ghe bán hàng dạo thì thay hình thức “bẹo” hàng bằng âm thanh của những chiếc kèn. Có người bấm kèn bằng tay (loại kèn nhỏ, bằng nhựa), có người vừa chèo vừa dùng chân đạp lên kèn (loại kèn lớn còn gọi là kèn cóc). Ghe hàng len lỏi vào bến đậu của các ghe lớn với đủ tiếng kèn khác nhau, làm cho khu chợ thêm náo nhiệt.

Người buôn bán trên chợ nổi nhóm họp bằng xuồng. Ngày xưa là xuồng ba lá, xuồng năm lá, ghe tam bản. Bây giờ có cả tắc ráng, ghe máy. Người đi mua cũng đến chợ bằng xuồng, ghe. Những chiếc xuồng con len lỏi khéo léo giữa hàng trăm ghe thuyền mà hiếm khi có va quệt xảy ra. Cách đi ghe cũng thể hiện cách sống, nhìn nhau mà đi, nhường nhịn nhau mà sống.

Thật thú vị khi ngồi thảnh thơi trên chiếc xuồng con tròng trành vừa thưởng thức một tô bún mắm thơm nức vừa thoả sức ngắm nhìn những chiếc thuyền chở đầy cây trái đang lướt qua trước mắt… Ðã đi chợ nổi đâu dễ quên tiếng ồn ào đặc trưng của chợ nổi, tiếng tành tạch của ghe xuồng đang rẽ sóng, tiếng mặc cả, tiếng mời chào, í ới gọi nhau hối hả…Qua bao đời nay, các chợ nổi Nam Bộ vẫn giữ nguyên nét sinh hoạt đặc trưng này. Từ đây, cây trái hoa quả và thủy sản sẽ theo các thương lái xuôi dòng toả đi khắp cả nước…

ĐI CHỢ NỔI NGÀY TẾT
Nổi bật nhất ở khu chợ nổi miền Tây mùa Tết là những ghe hoa với những nàng mai vàng, nàng cúc xinh xinh, những ông vạn thọ to tướng phùng phình, những em hồng chảnh chọe đang nhoẻn miệng cười khoe duyên... Chợ nổi thêm duyên với những bác ớt mình đỏ chót, chị tắc vàng nặng mình trĩu quả được bầu làm kiểng thật xinh như đang tô vẽ thêm mùa xuân đa lộc, đa tài. Với những ghe hoa của miền chợ nổi thì không cần phải cắm cây beo làm hiệu. Chính màu sắc rực rỡ của hoa đã đủ sức thu hút người đi chợ.

Từ đầu tháng Chạp, các lái hoa đã chọn bến để họp chợ. Những ghe hoa khác đến nhóm dần rồi hình thành chợ hoa sáng rực một khúc sông. Ðối với người dân sống quanh chợ nổi, Tết về mà không có mấy ghe bán bông thì chẳng còn gì là Tết, chẳng còn là mùa Xuân. 
Từ ngày ông Táo về trời đến giao thừa, chợ nổi miền Tây lại càng nhộn nhịp. Ðiều đặc biệt của khu chợ tiện mua tiện bán này là thời gian nghỉ Tết rất ngắn. Khoảng mồng Hai tết, chợ nổi đã “chiều khách” trở lại vì nhu cầu mua hàng đã có. Ðó là khách hàng cần đồ ăn thức uống cho những ngày gặt ngay Tết vì lúa đã chín quá mà lại không có nhân công. Những chàng trai, cô gái du xuân bằng đường sông cũng rất cần đồ ăn thức uống sẵn có như bún, cháo, cà-phê của chợ nổi...

Cái duyên chợ nổi vào những ngày xuân của vùng đất Cửu Long là vậy. Nó được ví như người con gái vào tuổi mơn mởn xuân thì, lúc Tết về được mẹ mua cho áo mới, như chợ nổi vào Xuân được con người tô điểm bằng những sắc màu lung linh của hoa... Có người lại ví chợ nổi sau những ngày Tết như người mẹ cần cù chịu khó vì chưa hết mồng đã phải “bôn ba” kiếm sống. Ai sinh ra và lớn lên cùng những mùa Xuân chợ nổi hẳn sẽ yêu thương nhiều nét duyên miền chợ nơi bến sông.

 

*** MÁCH NHỎ: Chợ nổi Cái Bè, Cái Răng, Phụng Hiệp, Phong Điền... là những điểm đến không thể thiếu trong hành trình về miền Tây dịp Tết. Mời bạn thăm chợ nổi trong các hành trình của Saigontourist tại website: www.saigontourist.net hoặc liên hệ các văn phòng để được tư vấn.

Tuyến điểm: Việt Nam

related image

Ban Mê mùa “Tuyết cà phê”

Xem thêm
related image

Cơm Hến, món ăn đậm hồn Huế

Xem thêm
related image

Để hành trình với bé thật vui

Xem thêm