5 công trình kiến trúc pháp ấn tượng nhất ở Đà Lạt

Vào cuối thế kỷ 19, khi tìm kiếm địa điểm để xây dựng nơi nghỉ dưỡng dành cho người Pháp ở Đông Dương, Toàn quyền Paul Doumer đã chọn cao nguyên Lâm Viên theo lời đề nghị của bác sĩ Alexander Yersin, người từng thám hiểm nơi đây vào năm 1893.

Kể từ đó, người Pháp đã cho quy hoạch và xây dựng nên một thành phố xinh đẹp, mộng mơ với biệt thự, công sở, trường học, nhà thờ nhằm phục vụ cho nhu cầu nghỉ mát và cả của người dân địa phương. Những kiến trúc nổi tiếng của Đà Lạt vì vậy cũng mang hơi thở Pháp với phong cách kiến trúc đặc trưng không lẫn đi đâu được.

Ngày nay, dù trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhưng Đà Lạt vẫn giữ được những công trình kiến trúc quan trọng và nổi tiếng. Đà Lạt cũng vì thế mà được ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu thế kỷ 20. Trong số đó, chắc chắn bạn không thể bỏ qua những công trình kiến trúc này nếu có dịp ghé thăm thành phố ngàn hoa.

1. NHÀ THỜ CHÍNH TÒA ĐÀ LẠT 
Tên chính thức là Nhà thờ chính tòa Thánh Nicôla Bari nhưng thường được gọi với cái tên nhà thờ Con Gà vì trên đỉnh tháp chuông có hình con gà rất lớn. Nhà thờ Con gà được thiết kế theo "kiểu mẫu" của các nhà thờ Công giáo Rôma ở châu Âu, tiêu biểu cho trường phái kiến trúc Roman.

Mặt bằng nhà thờ theo hình chữ thập (giống thánh giá) có chiều dài 65m, rộng 14m, tháp chuông cao 47m. Với độ cao đó, từ tháp chuông của nhà thờ có thể nhìn thấy mọi nơi của thành phố. Cửa chính của nhà thờ hướng về núi Langbiang.

Nội thất thánh đường gồm 3 gian: 1 gian lớn ở giữa và 2 gian nhỏ ở hai bên. Mặt cắt công trình thể hiện rõ hệ cuốn theo dạng cung nguyên với dãy cuốn và hệ vòm nôi. Các cột trong nội thất có hệ đầu cột mô phỏng dạng cổ điển kết hợp với tự phát. Cả mặt bằng và mặt đứng đều được thiết kế đối xứng nghiêm ngặt theo lối cổ điển.

Nhà thờ Con gà là một trong những kiến trúc tiêu biểu của Đà Lạt

2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT
Viện Đại học Đà Lạt tọa lạc trên một ngọn đồi rộng khoảng 38 ha với 40 tòa nhà nằm rải rác dọc theo những con đường nhỏ quanh co uốn khúc trong rừng thông. Các tòa nhà được dùng làm giảng đường và cơ sở hành chính mang tên Minh Thành, Tri Nhất, Thụ Nhân, Thượng Chí, Đôn Hóa... với hàm ý giáo dục dẫn ý từ Tứ thư Ngũ kinh. Vào những năm 1960. Viện Đại học Đà Lạt được xem là một trong những trường đại học đẹp nhất Đông Nam Á.

Viện Đại học Đà Lạt với tòa nhà hình cong đặc biệt

3. GA XE LỬA ĐÀ LẠT
Ga xe lửa Đà Lạt được xây vào năm 1932 và hoàn thành vào năm 1938 với kinh phí 200.000 franc lúc bấy giờ. Đây được xem là ga xe lửa lâu đời nhất ở Việt Nam và cả Đông Dương.

Ga xe lửa Đà Lạt mang phong cách kiến trúc miền Nam nước Pháp, phỏng theo hình dáng núi Langbiang hùng vĩ.

Ga Đà Lạt phỏng theo hình dáng núi Langbiang, với đồng hồ ghi lại thời gian mà bác sĩ Yersin tìm ra Đà Lạt.

Hiện nay, tuyến đường sắt duy nhất là từ thành phố Đà Lạt tới Trại Mát, dài 7km, đưa du khách đến với Trại Mát và chùa Linh Phước.

4. DINH BẢO ĐẠI
Dinh Bảo Đại, còn gọi là Dinh III, là nơi gia đình vua Bảo Đại sinh sống và làm việc ở thành phố Đà Lạt.

Mặt tiền Dinh Bảo Đại

Toàn thể công trình Dinh III mang nặng phong cách kiến trúc châu Âu đầu thế kỷ 20, điển hình là trước và sau biệt điện đều có vườn hoa được thiết kế theo kiểu Tây phương.

5. NHÀ THỜ DOMAINE DE MARIE
Nhà thờ Domaine de Marie, hay còn gọi là nhà thờ Mai Anh, là một cụm kiến trúc bao gồm nhà nguyện và hai dãy nhà tu viện nữ tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn với tổng diện tích 12ha.

Nhà thờ Mai Anh với màu sơn hồng nổi bật giữa mảng xanh Đà Lạt

Nhà thờ được xây theo kiểu kiến trúc Normandie, miền Bắc nước Pháp. Toàn bộ nhà thờ được quét vôi màu hồng, khiến công trình nổi bật hẳn giữa sắc xanh của cây cối xung quanh.

** Mách nhỏ: Với khí hậu mát mẻ, các công trình kiến trúc hài hòa, người dân dễ mến, Đà Lạt là điểm đến được nhiều người trở lại. Saigontourist có các hành trình đến Đà Lạt khởi hành thường xuyên. Tham khảo tour Đà Lạt tại: www.saigontourist.net

Tuyến điểm: Việt Nam

related image

Ban Mê mùa “Tuyết cà phê”

Xem thêm
related image

Cơm Hến, món ăn đậm hồn Huế

Xem thêm
related image

Để hành trình với bé thật vui

Xem thêm