Ai Cập vốn luôn hấp dẫn du khách gần xa với bao nhiêu điều thú vị, kỳ bí từ sa mạc đến những đền đài cổ đại. Và một trong những hành trình thú vị nhất khi đến xứ sở này là đi du thuyền dọc theo dòng sông Nile, con sông chính lớn nhất Ai Cập và cũng là một trong những con sông dài nhất thế giới
Hành trình đi du thuyền dọc theo sông Nile không chỉ là dịp dạo chơi ngắm cảnh đẹp thanh bình hai bên sông mà còn là dịp hay để thăm thú các ngôi đền đẹp nhất của Ai Cập. Bởi những ngôi đền nổi tiếng nhất Ai Cập đều nằm gần sông Nile, xe đưa đón rất tiện, thậm chí có đền ở ngay sát sông, chỉ việc cập bến là bạn có thể tham quan ngay.
ĐỀN ABU SIMBELL, ĐỊA CHỈ KHÔNG THỂ BỎ QUA
Một trong những địa chỉ hấp dẫn du khách nhất của Ai Cập là khu vực khảo cổ Abu Simbel, gồm 2 ngôi đền lớn được tạc từ núi đá trong suốt triều đại của pharaoh Ramesses II vào thế kỷ 13 trước Công nguyên, chỉ cách biên giới Sudan 14 km về phía Nam. Một công trình của pharaoh Ramesses II cho xây dựng để ghi lại những chiến công lừng lẫy của ông. Nên cũng dễ hiểu khi bên trong ngôi đền, ngoài việc thờ ba vị thần quan trọng nhất của Ai Cập cổ đại là Amun, Ptah và Ra-Horakhty, còn thờ chính bản thân pharaoh Ramesses II khi nhà vua vẫn còn tại vị. Bốn bức tượng chân dung khổng lồ cao 22m này án ngữ ngay mặt tiền tạo ấn tượng mạnh cho bất cứ ai lần đầu nhìn thấy.
Đền Kom Ombo, ngôi đền đôi có kiến trúc đặc biệt nawmmf ở vùng thượng Ai Cập. Ngôi đền có tới hai căn phòng để thờ các vị thần
Nằm cách ngôi đền Abu Simbell lớn120m về phía Đông Bắc, ngôi đền Abu Simbell nhỏ thờ nữ thần Hathor và chính phi Nefertari của Ramesses II, cũng không thua gì đền lớn. Gọi là nhỏ so với đền chính, chứ thực ra nó hoành tráng và gây choáng ngợp không kém cho du khách. Những tranh ảnh trên các bức tường, trụ cột chống đỡ và các pho tượng nghệ thuật bên trong ngôi đền được chạm khắc tỉ mỉ và sống động. Tôi ngỡ mình như đang lạc trong một cuốn phim Ai Cập cổ đại. Những phần sáng tối của không gian bên trong đền càng làm hàng cột, các pho tượng và hình vẽ thêm kỳ bí, kích thích thêm trí tưởng tượng phong phú của mình. Đặc biệt là khi đi qua các hành lang có những pho tượng thần Osiris khổng lồ, vị thần cai quản địa ngục và tượng trưng cho cái chết. Rất nhiều bức phù điêu vẽ, chạm khắc tinh xảo sống động mà qua thời gian hàng nghìn năm dù có phai đi ít nhiều, vẫn có thể nhìn thấy những chiến công lẫy lừng của pharaoh Ramesses II được thuật lại rất chi tiết trên những bức tường bên trong đền. Bên cạnh đó là những bức tranh mô tả chi tiết tính cách thần thánh của ông.
Những bức tranh ở đền Abu Simbell vẫn gần như nguyên vẹn và sống động
Có thể nói không ngoa rằng, những gì đẹp mắt và tinh xảo nhất của lối kiến trúc Ai Cập cổ đại hiện diện trong ngôi đền này. Không chỉ thế, đây cũng là ngôi đền gây tranh cãi nhiều nhất về việc xây dựng của người xưa là có chủ ý hay không khi sử dụng luồng ánh sáng đối với ngôi đền. Khi vị trí hang đá của ngôi đền hướng về phía mặt trời mọc, cứ vào tháng Hai và tháng Mười hàng năm, ánh nắng mặt trời có thể rọi vào tận bên trong điện thờ nằm sâu trong hang, đúng vị trí các tượng thần một cách kỳ lạ. Đây cũng là điểm lý thú, kỳ bí nhất của ngôi đền, là chi tiết được các bộ phim truyện có đề tài Ai Cập yêu thích khai thác.
Bên trong đền Abu Simbell với hành lang là nơi các pho tượng thần Osiris khổng lồ trấn giữ
KARNAK - NGÔI ĐỀN LỚN NHẤT AI CẬP
Khi tham quan các đền đài Ai Cập, bạn nhất định phải đến đền Karnak. Bởi các đền đài Ai cập cổ đại vốn thừa sự hoành tráng, nhưng chỉ đến đây bạn mới thực sự phải choáng ngợp hơn hết về mức độ to lớn, vĩ đại của công trình kiến trúc này.
Karnak gây ngợp cho tôi với 134 cột đá khổng lồ, trang trí bằng những bức bích họa màu mà đến nay hãy còn thấy được dù thời gian ngàn năm đi qua. Mỗi cây cột có chu vi 15m, cao 23m kiêu hãnh vươn thẳng lên trời xanh. Để thử độ rộng của cột, cả chục người bạn đồng hành cùng tôi đã phải nối nhau thành vòng tròn ôm mới xuể trụ cột. Tôi đi như muốn lạc giữa rừng cột đá tuyệt đẹp ấy, thấy mình thật nhỏ bé giữa tất cả những tượng, cột, tường to lớn đồ sộ, ngửa cổ ngắm khoảng không phía trên những đỉnh cột mà hoa văn trang trí vẫn còn rất sắc nét, màu sắc ngàn năm vẫn còn lưu dấu, hình dung ra phần nào nét vàng son nguyên thủy của Karnak.
Ngôi đền lớn nhất Ai Cập này do 30 vị pharaoh nối tiếp nhau xây dựng ròng rã suốt cả ngàn năm. Đây cũng là điểm chung của các công trình kiến trúc cổ Ai Cập, luôn được xây dựng qua nhiều thời kỳ, với nhiều phong cách, đường nét kiến trúc khác nhau, phản ánh gu của mỗi vị pharaoh khác nhau.
Quần thể ngôi đền nằm phía đông của sông Nile, thờ thần Amun, vị thần của sự thông thái và cũng là thần gió của Ai Cập. Cùng với vợ của Amun, nữ thần Mut và con trai là thần Mặt Trăng Cohens. Đây là ngôi đền tôn giáo cổ xưa lớn nhất trên thế giới, được xây dựng khoảng 1580 - 1160 năm trước công nguyên, trên một khu đất rộng 40 ha.
Với tôi, ấn tượng mạnh khác ở Karnak là quần thể đền được nối với đền Luxor bằng một đại lộ dài 3.000 m, hai bên san sát hai hàng nhân sư bằng đá, là biểu tượng của thần Amun, một trong những vị thần tối cao của tôn giáo Ai Cập cổ. Một đại lộ rộng mênh mông như kéo dài mãi không thôi vào sa mạc với những tượng nhân sư đầu cừu nằm dài hai bên.
LÀNG NUBIA ĐỘC ĐÁO BÊN DÒNG NILE
Aswan lừng danh bởi hoặc là điểm đầu hoặc là điểm cuối trong chuyến hành trình trên sông Nile bằng tàu lớn nhiều ca-bin ngủ đêm chạy tuyến đến thành phố đền Luxor. Tranh thủ một buổi chiều đầu tiên ở Aswan, tôi đi thuyền nhỏ đến thăm làng cổ Nubia. Aswan là nơi chôn rau cắt rốn của rất đông người Nubia, dân tộc của một quốc gia từng tồn tại trong lịch sử châu Phi và đã bị xóa sổ trên bản đồ.
Du thuyền lững lờ đưa tôi đi trong lúc chiều tà đang dần buông trên dòng Nile, đến khi xa xa thấp thoáng bóng những con lạc đà đủng đỉnh từ sa mạc, thoắt ẩn thoắt hiện giữa những lùm cây lúp xúp ven sông bước về hướng các dãy nhà nằm trên triền đồi cao cao, là biết sắp tới làng của người Nubia, nằm trên hòn đảo Elephantine. Những ngôi nhà nhiều màu sắc khác nhau, khá sặc sỡ, đắp bằng đất, mái lợp lá cọ nổi bật trên nền đất pha cát đỏ au. Nhiều nhà không mái che vì vùng này quanh năm chẳng mấy khi có mưa.
Nubia giờ đây là điểm dừng chân không thể bỏ qua khi du khách xuôi sông Nile để khám phá các công trình kiến trúc
Ngôi làng nhỏ của người Nubia bán các món đồ lưu niệm, gia vị Ả Rập đậm màu sắc rất bắt mắt. Cư dân ở đây sống chủ yếu dựa vào các dịch vụ du lịch như cho thuê nhà nghỉ, cưỡi lạc đà, bán hàng lưu niệm, gia vị trong những ngôi nhà xây dựng ngộ nghĩnh khiến tôi như thể lạc vào một vương quốc nhuốm màu cổ tích nghìn lẻ một đêm.
Đế chế Nubia hùng mạnh giờ đây chỉ còn lưu dấu ấn ở một vùng dọc bên bờ sông Nile
Nếu bạn là một người thích xăm trổ một tí mà không muốn phải lưu lại sự ngẫu hứng bất chợt ấy quá lâu, thì việc ghé thăm nơi đây là lựa chọn hợp lý. Người Nubia ở đây sẽ giúp bạn trong việc xăm vẽ henna. Henna là loại hình xăm tinh tế của người Ai Cập, vẽ bằng loại mực đặc biệt, có thể phai dần sau một tuần. Các hình xăm của họ cũng khá đặc biệt, không giống các mô tuýp xăm thông thường. Và giá cả dĩ nhiên cũng rất rẻ. Tính ra tiền Việt chỉ chừng 100.000 đồng. Tôi cũng chọn cho mình một hình xăm, và lấy làm thú vị khi post lên trang cá nhân ngay sau đó trong sự xôn xao của bạn bè ở quê nhà.
MÁCH NHỎ:
Hành trình khám phá Ai Cập của Lữ hành Saigontourist sẽ mang đến cho bạn cơ hội đi du thuyền dọc theo sông Nile, khám phá những công trình kiến trúc cổ đại của các vị pharaoh. Liên hệ 1900 1808 để được tư vấn hoặc truy cập website: https://saigontourist.net/vi/tour/tour-ai-cap để xem chi tiết.