Nhắc đến những công trình kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn Tây Ban Nha tại Manila, thủ đô Philippines, không thể không nhắc đến Intramuros, khu vực cổ xưa nhất trong thành phố.
Intramuros trong tiếng Latin có nghĩa là phía trong những bức tường. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì toàn bộ khu vực này được bao quanh bởi những bức tường thành bằng đá dày đến vài mét, phía sau tường thành là những khẩu đại bác khổng lồ nhằm tiêu diệt những kẻ âm mưu nổi loạn chống lại người Tây Ban Nha lúc bấy giờ.
Bức tường thành kiên cố bảo vệ toàn bộ khu vực Intramuros
Vào thế kỷ XVI, Manila trở thành thủ đô của Philippines, và là trung tâm hành chính của bộ máy chính quyền Tây Ban Nha tại thuộc địa. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, rất nhiều công trình kiến trúc châu Âu tại đây như nhà thờ, cung điện… đã bị phá hủy. Rất nhiều phần của bức tường thành hoành tráng Intramuros cũng không còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, nếu có dịp đi dạo ở đây, bạn vẫn sẽ cảm nhận được không khí châu Âu và quá khứ thuộc địa Tây Ban Nha vẫn còn đọng lại nơi này.
“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo“ ở Intramuros
Những địa điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến với “Thành phố phía sau những bức tường” là nhà thờ đá San Agustin, pháo đài Fort Santiago, nơi giam giữ vị anh hùng dân tộc của Philippines Jose Rizal và công viên Rizal được đặt theo tên của ông.
Nhà thờ đá San Agustin là nhà thờ duy nhất còn tồn tại cho đến ngày nay, sau trận đánh Manila (1945) giữa hai phe Đồng Minh (gồm Mỹ, Philippines) và Phát-xít (Nhật Bản). Nhà thờ được xây vào năm 1587 theo trường phái Baroque, bên trong có nhà nguyện, tu viện nhà các bức tranh tường kiểu châu Âu phỏng theo nội dung từ Kinh thánh.
Nội thất bên trong nhà thờ mang phong cách châu Âu thời Phục hưng
Pháo đài Fort Santiago hướng ra biển là một địa điểm rất có ý nghĩa đối với người dân Philippines. Tại đây, vị anh hùng dân độc Jose Rizal đã bị giam cầm và trải qua những ngày tháng cuối đời ở nhà giam trong pháo đài. Ngày nay, gần pháo đài là một công viên rộng lớn được đặt theo tên ông.
Lối vào pháo đài Fort Santiago
Ngọc Quyên (Theo KLM)