Đi tìm nàng Apsara

Tôi đã đi tìm và đã gặp, có lẽ do nhân duyên từ đâu đó, chứ không phải từ kết quả của chuyến lang thang vào xứ sở chùa tháp. Ở đó, cái mà tôi đã gặp còn nhiều hơn cái tôi muốn kiếm tìm.

Từ nhiều năm trước tôi đã có ý định này, hay nói đúng hơn đó là sự khát khao được diện kiến một thực thể được cho là bất tử. Sự thôi thúc trở nên lớn lao hơn là vào dịp Bộ Du lịch Campuchia tổ chức đêm gala “Cambodia Night” trong khuôn khổ một sự kiện du lịch tại TP.HCM. Những vũ công Apsara phục vụ trong Hoàng cung giỏi nhất được mời sang biểu diễn. Những chuyển động mềm mại, nhu nhuyến của tay, chân và cơ thể các vũ nương hòa trong tiếng nhạc dập dìu, réo rắt quyện thành một “họa phẩm” sống động của trần gian khiến khán giả phải chết lặng để dõi nhìn. Trong khoảnh khắc đó, ta mới cảm thấy sự hối hả thường ngày trở nên vô duyên đến chừng nào.

Người dẫn đường của chúng tôi là Sonha, một cô gái người địa phương nhỏ nhắn, xinh xắn, khuôn mặt rất Việt Nam, còn tiếng Việt của cô thì trên cả tuyệt vời. Cô được sinh ra tại Siem Reap từ mối tình giữa người đàn ông Campuchia và người phụ nữ Việt Nam sang đây làm ăn, sinh sống - một hiện tượng khá phổ biến tại Campuchia. Sonha đã trố mắt khi nghe tôi bày tỏ ước nguyện khá… mơ hồ của mình. Cô nhìn tôi có vẻ hoài nghi, như ngầm mách bảo rằng, làm sao tôi có thể tìm gặp Apsara của tôi trong số cả ngàn Apsara trên khắp đất nước nhỏ bé này, cộng với con số tương đương như thế đã hóa thành đá trên những đền tháp, trong quần thể Angkor suốt ngàn năm qua?

Việc nhắc đến Apsara của Campuchia giống như khi ta nói về geisha của Nhật Bản vậy. Hơn thế, Apsara trong văn hóa Campuchia còn mang một hàm nghĩa rộng hơn nhiều, rộng như Biển Hồ Tonle Sap. Những bức phù điêu tiên nữ Apsara bằng đá diễm tuyệt trong quần thể Angkor vĩ đại đã từng là khởi đề cho đoạn video clip quảng bá du lịch Campuchia được phát trên kênh truyền hình CNN của Mỹ, khép lại với câu slogan “Vương quốc diệu kỳ” giản dị nhưng đầy ấn tượng. Apsara và nụ cười huyền bí trên khuôn mặt của những tượng Phật bốn mặt trong đền Bayon cũng chính là nguồn cảm hứng dẫn dắt những đạo diễn quốc tế tài ba dàn dựng nên show diễn “Smile of Angkor” (Nụ cười Angkor) hoành tráng và đẫm chất sử thi Khmer, lôi cuốn bao lượt khán giả mỗi đêm tại nhà hát Lớn Grand Theater ở thành phố du lịch Siem Reap. 

Bay khinh khí cầu ngắm toàn cảnh quần thể di sản Angkor

Apsara được cho là những nàng tiên mây và nước. Khi các nàng nhảy múa, vạn vật sinh sôi nảy nở. Điệu múa của những tiên nương Apsara có sức mê hoặc đến đỗi đương lúc cao trào cuộc chiến “khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh” giữa thiên thần và ác quỷ trong sử thi truyền tụng ở đất nước này, ác quỷ phải mềm lòng và sau đó bị đẩy lui, hòa bình được lập lại trên xứ sở. Từ huyền thoại, Apsara đã bước ra trần gian, thành những vũ nương cung đình trong các triều đại của đế chế Angkor, và được bất tử hóa trong những đền tháp bằng hàng ngàn tuyệt phẩm điêu khắc đá sống mãi với thời gian. Hai ngàn năm đã trôi qua, và sẽ còn rất lâu nữa, điệu múa thanh nhã, u hoặc này luôn sống trong lòng nước Campuchia.

Kỳ thực, Apsara cũng có thể được hiểu như bản thể tính của người Campuchia, mà nhờ đó, Campuchia mới được hồi sinh nhanh hơn, lịch sử của Vương quốc thần diệu này mới bớt tang thương hơn sau tất cả những gì người dân nơi đây phải hứng chịu. Apsara là cốt cách của văn hóa, của tâm hồn Campuchia. Sen Pich, vũ sư ở trường dạy múa Apsara Robam Tep ở Phnom Penh, nói rằng: “Nhìn vào trong gương mỗi khi múa Apsara, tôi như nhìn thấy con người thật của mình”. Đại ý, cô nhận ra cả bản lai diện mục của mình mỗi khi thực hành điệu múa Apsara. Một điều có vẻ hơi trừu tượng với người ngoại quốc, nhưng lại vô cùng chân phương với những ai đam mê Apsara, xem Apsara như là hơi thở. “Đối với phụ nữ Campuchia, học múa Apsara không phải đơn thuần để trở thành vũ công, mà là để thể nhập với truyền thống văn hóa của xứ sở”, Sen Pich nói thêm. 

Tinh thần Apsara uyển chuyển, linh hoạt, mà chính nhờ đó người Campuchia thể hiện sự khéo léo trong huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nhiều nơi vẫn còn trong tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Những ngày đi trên đất bạn, tôi đã thấy bao nhiêu con đường, bao nhiêu cây cầu in dấu Việt Nam. Một điều thật lạ lùng, tinh thần Apsara đã giúp Campuchia dung hòa một cách hoàn toàn tự nhiên giữa Phật giáo và Hindu giáo, tạo nên một tôn giáo hết sức đặc biệt, Phật giáo - Hindu. Điều này có thể được cảm nhận rõ nhất ở những bức phù điêu rắn thần Naga trang trí trên diềm mái chùa, ở hình tượng Phật tọa thiền trên mình rắn, với đầu rắn thần hộ vệ bên trên… rất phổ biến trong kiến trúc chùa tháp Khmer.

Đi tìm ắt sẽ gặp. Khi đã tin, chắc chắc sẽ nhìn thấy. Cuối cùng, tôi cũng đã tìm thấy Apsara của tôi. Nàng ngự trên vách đá phía bờ Tây ngôi đền Bayon, hiện ra trong hình hài trinh nguyên, đẹp một cách kiêu kỳ, linh thánh, mặt hướng ra cánh rừng xanh thẳm màu sử thi, nhiệm màu thiên huyền thoại. Nàng ở đó với sứ mệnh canh giữ cho hòa bình, tưới tắm tình yêu thương trên khắp mặt đất không hoang vu này.  

Bài và ảnh: Trần Văn Thưởng
 

Tour Campuchia ưu đãi chỉ còn từ 3,429 triệu đồng

Với chương trình “Đi tour càng đông, ưu đãi càng lớn”, Saigontourist đang áp dụng nhiều mức ưu đãi tour Campuchia 4 ngày dành cho khách mua trực tiếp tại quầy theo nhóm đến 4 khách được giảm ngay 200.000 đồng/khách; từ 5-8 khách giảm ngay 300.000 đồng/khách và trên 8 khách được giảm ngay 400.000 đồng/khách. Ngoài ra, khách mua tour online tại www.saigontourist.net sẽ được giảm ngay 300.000 đồng/khách. Tour đi Siem Reap- Phnom Penh, giá trọn gói chưa giảm từ 4,079 triệu đ; Bokor- Sihanoukville- Phnom Penh, giá chưa giảm từ 3,829 triệu đ; Sihanoukville- Koh Rong Samloem- Phnom Penh, giá chưa giảm từ 3,979 triệu đ.

 

Tuyến điểm: Campuchia

related image

Những điều thú vị ở đất nước Campuchia

Xem thêm
related image

5 điều nhất định phải thử trên đảo Koh Rong Samloem

Xem thêm