Tình yêu nghề lớn lên sau những chuyến đi

  • 18/04/2019

Giản dị, dễ gần và mang đến năng lượng tích cực – đó là những ấn tượng đầu tiên người ta thường cảm nhận về tổng giám đốc mới của Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist: ông Nguyễn Hữu Y Yên.

Thuộc thế hệ 7X, có thể nói cho đến nay Nguyễn Hữu Y Yên đã gắn bó với lĩnh vực du lịch gần hai phần ba cuộc đời.

Từ một sinh viên năng nổ thời kỳ ngành du lịch Việt Nam mới chớm phát triển cho đến vị trí lãnh đạo một thương hiệu lữ hành hàng đầu, khi cả nước đón 15 triệu du khách một năm, ông vẫn giữ cho mình thái độ khiêm nhường và thích học hỏi.

Khác với sự kiệm lời khi nói về bản thân, những chia sẻ của ông về 26 năm gắn bó với lĩnh vực yêu thích khá cởi mở.

Để gặp được ông trong khoảng thời gian này thật không dễ! Có phải vì ngành du lịch đang sôi động với hàng loạt sự kiện lớn – từ khách tàu biển tăng mạnh, đến đám cưới tỉ phú Ấn Độ ở Phú Quốc, rồi khởi công xây dựng đường đua F1?

Từ cuối 2018 đến nay Việt Nam đón nhiều tàu du lịch cao cấp cỡ lớn. Một phần vì chúng ta đã tạo được uy tín với các đối tác về một điểm đến có mức giá tốt, dịch vụ chu đáo.

Tuy nhiên, sự tăng giảm của lượng khách tàu biển hằng năm thực ra phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố khách quan.

Điểm đến nào sẽ được quảng bá mạnh mẽ và đưa vào hải trình đều là do các hãng tàu tính toán trước khi đưa khách đến cả năm hoặc vài năm. Việc lần này Việt Nam đón tàu liên tục cũng không phải là ngoại lệ.

Giống như các lĩnh vực khác, cạnh tranh trong hoạt động đón khách tàu biển sẽ ngày càng gay gắt. Hiện nay để được phục vụ khách xuống tàu, Saigontourist cũng phải tham gia đấu thầu, cạnh tranh với doanh nghiệp quốc tế làm dịch vụ tàu biển ngay trên sân nhà!

Từ đám cưới tỉ phú Ấn Độ ở Phú Quốc, ông nghĩ thế nào về thị trường khách Ấn Độ? Đất nước với 1,2 tỉ dân và tầng lớp trung lưu đang lớn nhanh có hứa hẹn nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp lữ hành và khách sạn Việt Nam không, thưa ông?

Hiện nay Thái Lan đang khai thác rất tốt thị trường khách Ấn, điều này chứng tỏ khách Ấn nhiều tiềm năng. Còn với Việt Nam, có lẽ làn sóng này sẽ chưa đến ngay trong nay mai.

Phần lớn khách Ấn Độ đến nước ta thời gian qua chi tiêu chưa cao, thói quen sinh hoạt ăn uống khác biệt với những đối tượng khách quen thuộc của thị trường Việt Nam như khách Âu Mỹ, Nhật, Trung Quốc nên đa số doanh nghiệp trong nước cũng chưa mặn mà.

Nhưng tôi cho rằng trong tương lai chúng ta cũng phải mở rộng khả năng phục vụ và quảng bá để thu hút khách Ấn. Bởi vì tiếp theo làn sóng khách Tây Âu hay khách Nga, khách Trung Quốc hiện nay dù rất đông rồi cũng sẽ đến lúc giảm.

Để phát triển bền vững, người làm du lịch phải thấy được quy luật và có kế hoạch mở thị trường mới bên cạnh khai thác những gì có sẵn.

THEO TÔI DOANH NGHIỆP DU LỊCH MUỐN TỒN TẠI THÌ PHẢI GIỮ ĐƯỢC CHẤT LƯỢNG, ĐỪNG QUÁ CHẠY THEO LỢI NHUẬN VÀ NHỮNG GÌ DỄ DÀNG TRƯỚC MẮT. TRƯỚC LÀN SÓNG KHÁCH TRUNG QUỐC TRÀN ĐẾN, NHIỀU KHÁCH SẠN SẴN SÀNG BÁN TOÀN BỘ PHÒNG TRƯỚC CẢ NĂM VỚI GIÁ SỈ, NHƯNG VẪN CÓ MỘT SỐ THƯƠNG HIỆU CAO CẤP TẠI CÁC ĐIỂM ĐẾN KHÔNG LÀM NHƯ VẬY MÀ VẪN GIỮ MỨC GIÁ VÀ CHẤT LƯỢNG NHẰM BẢO VỆ THƯƠNG HIỆU.

Vậy còn du khách Hồi giáo thì sao? Tổ chức Mastercard – Crescent Rating vừa ước tính Đông Nam Á sẽ đón khoảng 18 triệu lượt khách theo đạo Hồi vào năm 2020. Liệu Việt Nam sẽ đón được bao nhiêu khách trong tổng số đó? 

Thị trường du khách Hồi giáo được dự báo là một trong những thị trường phát triển nhanh, nhờ vé máy bay rẻ và sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu ở Trung Đông.

Mấy tháng trước sau hoạt động xúc tiến ở khu vực Trung Đông, Saigontourist đã đón tiếp hai đoàn khách từ Kuwait và nhận được phản hồi rất tốt từ nhóm khách có mức chi tiêu cao này.

Để phục vụ được khách Hồi giáo, phải am hiểu tín ngưỡng, văn hóa giao tiếp, các đòi hỏi khắt khe về ẩm thực của họ. Đó là chưa kể khách thuộc các dòng Hồi giáo khác nhau lại có những yêu cầu phục vụ khác nhau.

Tại Đông Nam Á, đón khách Hồi giáo hàng đầu là các nước Malaysia, Indonesia, Singapore do cộng đồng Hồi giáo tại các nước này lớn mạnh.

Theo tôi, Việt Nam có thể học hỏi Thái Lan, một đất nước Phật giáo nhưng khai thác thị trường khách Hồi giáo rất hiệu quả. Hệ thống khách sạn đất nước này có dịch vụ chuyên nghiệp, cung cấp tiện nghi phù hợp cũng như tuân thủ chế độ ăn uống của đạo Hồi.

Ở sân bay, trung tâm mua sắm và khách sạn có phòng cầu nguyện cho các tín đồ. Các điểm đến có nhà hàng đạt chuẩn halal (thuật ngữ “halal” theo tiếng Ả Rập có nghĩa là “cho phép”, bao gồm mọi thứ phù hợp với luật Hồi giáo như được viết trong Kinh Quran).

Tôi cho rằng việc học hỏi không quá khó hay tốn kém nhiều nhưng phải có kế hoạch rõ ràng và có người đứng ra tổ chức. Chẳng hạn Bộ Du lịch Thái Lan từng tổ chức hẳn chiến lược du lịch mang tên “Tiêu chuẩn Hồi giáo Halal”…

Từ việc đón được các đoàn khách Kuwait sau đợt xúc tiến ở Trung Đông, có thể thấy hoạt động quảng bá đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách đến Việt Nam?

Tôi cho là như vậy! Đó là lý do nhiều quốc gia chi đến hàng trăm triệu USD cho quảng bá, xúc tiến du lịch hằng năm.

 Năm 2018 tại Diễn đàn cao cấp Du lịch Việt Nam ở Hà Nội, tôi có dịp nghe người đại diện ngành du lịch ở bang Adelaide, miền Nam nước Úc cho biết chỉ riêng bang này đã chi hàng chục triệu USD trong một năm cho quảng bá.

Chiến lược của họ rất cụ thể, đó là thu hút du khách Trung Quốc bằng cách mời một nam diễn viên nổi tiếng của Trung Quốc tham gia suốt chương trình xúc tiến.

Họ sẵn sàng đầu tư mạnh tay như vậy khi nhận thấy khách Trung Quốc đến Úc tăng nhanh, chi tiêu nhiều nhưng lại hầu như không biết đến bang của họ. Tất nhiên Việt Nam chưa thể so sánh với các nước phát triển về ngân sách dành cho tiếp thị du lịch, tuy nhiên trong bối cảnh đa số các nước đều chi cho quảng bá nhiều hơn hẳn chúng ta thì ngân sách khiêm tốn như hiện nay cũng là điều đáng suy nghĩ.

Bên cạnh ngân sách, người làm du lịch như chúng tôi còn hy vọng chính sách visa của Việt Nam sẽ sớm được nới lỏng.

Trong 15 triệu du khách đến Việt Nam năm 2018 (số liệu của Tổng cục Du lịch), khách Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn còn các đối tượng khách truyền thống như Bắc Mỹ, Tây Âu chiếm tỵ lệ ngày càng nhỏ. Ông nghĩ sao về điều này?

Thật ra đó là chuyện bình thường của ngành du lịch. Các tập đoàn lữ hành quốc tế luôn tìm kiếm những điểm đến mới, để khi điểm đến đang khai thác có dấu hiệu bão hòa là họ chuyển hướng ngay.

Các tập đoàn này luôn có kế hoạch trước cả vài ba năm trong việc tiếp thị và đẩy mạnh khai thác một điểm đến mới. Tôi cho là hiện tượng này sẽ lặp lại với khách Trung Quốc.

Chẳng hạn thêm một thời gian nữa khi Nha Trang đã bão hòa, khách Trung Quốc có thể sẽ đổ đến những điểm đến mới mẻ hơn, giá cạnh tranh hơn như Quy Nhơn hoặc Vân Đồn. Nếu không có sự chuẩn bị trước, hàng loạt khách sạn xây ồ ạt trong thời gian qua có nguy cơ chậm thu hồi vốn.

NHỮNG NĂM 1996, 1997 TÔI THƯỜNG XUYÊN ĐI CÔNG TÁC Ở TÂY NGUYÊN, TÂY BẮC, KHẢO SÁT CÁC CUNG ĐƯỜNG RỪNG, Ở TẠI BẢN LÀNG CỦA NGƯỜI DÂN TỘC ĐỂ THIẾT KẾ CHƯƠNG TRÌNH TOUR PHỤC VỤ KHÁCH PHÁP, ĐỨC… ĐẾN NAY NHỮNG TOUR TỪNG RẤT HẤP DẪN DU KHÁCH ĐÓ ĐÃ THƯA THỚT HẲN VÌ RỪNG TỰ NHIÊN ĐÃ KHÔNG CÒN, VĂN HÓA LÂU ĐỜI CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ CŨNG MAI MỘT…

Như vậy đằng sau con số tăng trưởng ấn tượng luôn ẩn chứa rủi ro?

Thị trường du lịch luôn thay đổi, và tốc độ thay đổi sẽ ngày càng nhanh hơn. Theo tôi doanh nghiệp du lịch muốn tồn tại thì phải giữ được chất lượng, đừng quá chạy theo lợi nhuận và những gì dễ dàng trước mắt.

Trước làn sóng khách Trung Quốc tràn đến, nhiều khách sạn sẵn sàng bán toàn bộ phòng trước cả năm với giá sỉ, nhưng vẫn có một số thương hiệu cao cấp tại các điểm đến không làm như vậy mà vẫn giữ mức giá và chất lượng nhằm bảo vệ thương hiệu.

Càng nhiều khách sạn, resort kiên quyết giữ thương hiệu thì điểm đến càng giữ được sức thu hút lâu dài. Bali là một ví dụ, trong khi những khu vực giải trí, tắm biển đại trà của họ đáp ứng tốt nhu cầu của số đông khách Trung Quốc, thì các khu vực nghỉ dưỡng cao cấp yên tĩnh vẫn giữ được lượng khách Âu, Mỹ, Nhật “khó tính”.

Có vẻ như chúng ta không bằng được Bali trong việc giữ thị trường khách Âu Mỹ?

Khách châu Âu và Bắc Mỹ thích khám phá văn hóa bản địa nhưng việc giữ gìn điều này ở Việt Nam chưa được tốt.

Những năm 1996, 1997 tôi thường xuyên đi công tác ở Tây Nguyên, Tây Bắc, khảo sát các cung đường rừng, ở tại bản làng của người dân tộc để thiết kế chương trình tour phục vụ khách Pháp, Đức…

Đến nay những tour từng rất hấp dẫn du khách đó đã thưa thớt hẳn vì rừng tự nhiên đã không còn, văn hóa lâu đời của người dân tộc thiểu số cũng mai một.

Ngay cả tại Hội An, việc cấm xe xích lô để giữ yên tĩnh cho phố cổ là việc không khó nhưng cũng chưa làm được. Trước đây với lượng khách vừa phải thì xe xích lô không ảnh hưởng gì, còn bây giờ liên tục các đoàn khách vài chục người ngồi xích lô qua lại thì những khách thích đi bộ thưởng thức văn hóa Hội An sẽ thấy thất vọng.

Theo những chia sẻ của ông, ngành du lịch lữ hành có quá nhiều cái khó, lại còn thường bị động trước thay đổi hay rủi ro bên ngoài. Vậy ông vẫn giữ được tình yêu với nghề là nhờ đâu?

Một phần là vì nghề giúp tôi mở rộng cuộc sống. Ngoài những chuyến đi khảo sát hay dẫn tour cho khách nước ngoài, tôi cũng có dịp học hỏi nhiều từ đối tác quốc tế.

Chẳng hạn năm 2006, Tập đoàn lữ hành TUI (Đức) lớn hàng đầu châu Âu đến Việt Nam với dự định liên doanh cùng Saigontourist. Nằm trong kế hoạch chuẩn bị nhân sự, tôi được TUI đưa đến một thành phố Tây Ban Nha – nơi mỗi năm lúc đó đón hàng chục triệu khách Pháp và Đức.

Trong mấy tháng học và làm việc tại châu Âu, tôi hiểu được quy trình khảo sát – quảng bá – khai thác và rút khỏi một điểm đến của các hãng lữ hành quốc tế lâu đời là như thế nào. Ngoài ra công việc này cũng cho tôi đời sống xã hội phong phú. Tôi có nhiều nhóm bạn thú vị kết thân với nhau sau những chuyến đi, có những nhóm vẫn chơi với nhau mười mấy năm nay sau một chuyến cùng đi nước ngoài…

Sau những chuyến đi và các hội nhóm náo nhiệt – sắc màu, một doanh nhân lữ hành như ông sẽ như thế nào khi về nhà?

Về nhà, tôi thích đọc sách và chơi với con. Tôi thích các con mình gần gũi với thiên nhiên nên khi thu xếp được là lái xe đưa gia đình đi biển, hoặc nhiều thời gian hơn thì đến Đà Lạt hay Sa Pa, nhưng không ở trung tâm mà chọn những nơi cảnh sắc còn nguyên sơ, tiện nghi chỉ cần ở mức vừa phải.

Tôi từng đưa cả gia đình đi biển khi con chưa đầy tháng, cho con xuống hồ bơi khi Sa Pa chỉ mười mấy độ C. Đi chơi về có bé cũng ho, sổ mũi nhưng điều quan trọng là chúng đã cảm nhận được cái đẹp, cái thú vị của thiên nhiên.

Ba đứa con tôi, đứa lớn nhất chín tuổi, đứa nhỏ nhất năm tuổi đều thích những chuyến đi như vậy. Cả ba đều đã tự biết chuẩn bị đồ đạc cá nhân rất “chuyên nghiệp” mỗi lần ba mẹ tuyên bố “cả nhà mình đi chơi” (cười)!

TÔI THÍCH CÁC CON MÌNH GẦN GŨI VỚI THIÊN NHIÊN NÊN KHI THU XẾP ĐƯỢC LÀ LÁI XE ĐƯA GIA ĐÌNH ĐI BIỂN, HOẶC NHIỀU THỜI GIAN HƠN THÌ ĐẾN ĐÀ LẠT HAY SA PA, NHƯNG KHÔNG Ở TRUNG TÂM MÀ CHỌN NHỮNG NƠI CẢNH SẮC CÒN NGUYÊN SƠ, TIỆN NGHI CHỈ CẦN Ở MỨC VỪA PHẢI.

Là sinh viên ngành du lịch Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh những khóa đầu tiên, chắc hẳn ông có nhiều kỷ niệm về thời kỳ “sơ khai” của ngành công nghiệp không khói ở Việt Nam?

Thời phổ thông tôi học khối tự nhiên, năm 1991 khi vào đại học cũng định theo lĩnh vực toán kinh tế, nhưng đến giai đoạn chuyên ngành tôi đã chọn du lịch vì bị ngành học mới mẻ này thu hút.

Những năm đó tài liệu học tập khan hiếm, giáo trình chủ yếu là dịch sách nước ngoài, tuy nhiên nhà trường và sinh viên đã thành lập được câu lạc bộ du lịch Nhịp Cầu Tím hoạt động rất hiệu quả.

Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức những chuyến đi Đà Lạt, Nha Trang, thành phần tham gia là sinh viên và rất đông người dân thành phố, nhiều nhất là các tiểu thương chợ Bến Thành, chợ An Đông…

Các anh chị tiểu thương thích đi du lịch với sinh viên vì chúng tôi biết hoạt náo, quản trò và thuyết minh. Vào dịp lễ lớn, những chuyến đi thường có 3, 4 xe 45 chỗ, rất ấn tượng vào thời kỳ đó.

Bên cạnh những giờ lên giảng đường, ba năm gắn bó với câu lạc bộ Nhịp Cầu Tím, câu lạc bộ du khảo đã cho tôi “vốn liếng” đầu tiên để chính thức đặt chân vào ngành du lịch năm 1996.

Có một thực tế là mấy năm gần đây ngành du lịch lữ hành không còn hấp dẫn giới trẻ như trước. Như vậy Lữ hành Saigontourist đang chuẩn bị nhân sự thế hệ kế tiếp như thế nào?

Nhân sự đúng là vấn đề đang khiến chúng tôi khá đau đầu. Hiện nay có nhiều ngành nghề mới mở ra, ngành quản lý du lịch ở các trường đại học không còn đủ hấp dẫn để tuyển được nhiều sinh viên chất lượng như trước.

Tại thành phố lớn, việc đào tạo sinh viên mới ra trường của doanh nghiệp lữ hành mất nhiều thời gian hơn, còn mở văn phòng ở tỉnh chúng tôi cũng khó tuyển sinh viên giỏi từ các trường đại học địa phương.

Lý do là sinh viên tốt nghiệp ở tỉnh cũng thích về thành phố lớn tìm việc làm, và du lịch không còn là lựa chọn hàng đầu của các bạn trẻ như những năm trước.

Để tạo và giữ được đội ngũ nhân sự trẻ làm việc hiệu quả, theo tôi cách tốt nhất là truyền được cho họ lòng yêu nghề. Với lĩnh vực lữ hành, tình yêu nghề sẽ lớn lên qua những chuyến đi.

Bên cạnh sự đãi ngộ xứng đáng và xây dựng văn hóa công ty, chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện để nhân viên được tham gia nhiều chuyến đi, được học hỏi và mở rộng kiến thức.

Xin cảm ơn ông!

Bởi Cẩm Tú (Báo Doanh Nhân Sài Gòn cuối tuần)